Mẹo phân biệt chất lượng dầu ăn nhanh chóng
Mẹo phân biệt chất lượng dầu ăn nhanh chóng
Hiện nay, dầu ăn bẩn làm từ rác thải và cặn dầu đã qua chế biến nhập khẩu từ nước ngoài đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Đó là chưa kể đến số lượng dầu ăn kém chất lượng, dầu ăn giả được pha bằng các chất hóa học do các cơ sở trong nước làm giả.
Dầu mỡ bẩn khi được chế biến lên bàn thức ăn cho người sử dụng nguy hiểm vô cùng. Dầu bẩn có thể gây ra ngộ độc trường diễn tới cơ thể con người sau đó gây ra các biến chứng, bệnh tật như bệnh về máu, bệnh ung thư…
Khi sử dụng dầu này để chế biến đồ, nếu dùng để chiên rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra những chất gây hại như: andehit, chất oxy hóa…
Đặc biệt, các chất này khi ở nhiệt độ cao sẽ bay hơi trong không khí và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải. Nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó…
Lâu dài sẽ xuất hiện triệu chứng tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng người dùng và người sử dụng.
Điều này khiến các bà nội trợ lo sợ và gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt dầu ăn thật giả. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cách chọn dầu ăn đảm bảo sức cho sức khỏe mà bà nội trợ nào cũng nên biết.
Các bà nội trợ nên biết cách chọn dầu ăn an toàn, đảm bảo sức khỏe cho mình và cả gia đình
I) Cách nhận biết dầu ăn “Chuẩn”:
1.Nhận biết qua mùi của dầu
Trước hết, phải rửa tay thật sạch (không nên rửa bằng xà phòng thơm tránh lẫn mùi). Lấy một chiếc đũa sạch chấm vào dầu, rồi nhỏ vào lòng bàn tay trái, dùng ngón tay trỏ phải di miết, khiến dầu loang rộng ra lòng bàn tay rồi đưa lên mũi ngửi.
Dầu có chất lượng tốt có mùi bình thường, đặc trưng rõ rệt của từng loại dầu ( dầu đậu nành, olive, dầu lạc, dầu vừng…). Nếu thấy có mùi ôi, hôi, khét hoặc bất kỳ mùi lạ nào thì không nên dùng.
2.Nhận biết qua vị của dầu
Lấy một chiếc đũa sạch chấm vào dầu và nhỏ 1-2 giọt vào chỗ hõm bàn tay. Dùng lưỡi nếm xem dầu có mùi vị gì lạ không. Nếu dầu có chất lượng tốt, hương vị sẽ bình thường, không chát, không đắng, không chua mà chỉ có hương vị đặc trưng của sản phẩm, tùy theo từng loại dầu. Khi nếm xong, nhớ nhổ bỏ và súc miệng kỹ..
3.Nhận biết qua trạng thái trong suốt của dầu
Nếu dầu chất lượng (hàm lượng nước và tạp chất ít), màu dầu rất trong suốt không có dấu hiệu lắng cặn, đông đặc, khi lắc chai dầu chảy trơn tru. Nếu không trong suốt thì tùy theo độ đục nhiều hay ít mà người tiêu dùng có thể đánh giá được phẩm chất dầu thấp hay cao, có hàm lượng nước và tạp chất nhiều hay ít.
4.Nhận biết qua màu sắc của dầu
Nên quan sát đến màu sắc ánh lên của dầu để phân biệt loại dầu và phẩm chất. Nếu dầu có chất lượng cao thì có màu vàng sẫm, dầu chất lượng bình thường có màu vàng nhạt. Nếu là dầu hạt cải thì trong màu vàng vẫn thấy thoáng màu lục, nếu là dầu lạc thì có màu vàng nhạt hay màu da cam nhạt, nếu là dầu hạt bông thì màu vàng nhạt hơn.
Nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn trong cách phân biệt màu sắc của dầu ăn, cho rằng màu dầu càng nhạt thì dầu càng tinh khiết. Nhưng thực tế rằng tất cả các loại dầu ăn đều có màu đặc trưng của nó. Ví dụ như dầu đậu nành có thật lượng bình thường thì sẽ có màu vàng nhạt, dầu đậu nành chất lượng cao được chiết suất 100% từ đậu nành nguyên chất, không pha thêm nước hay bất kì một tạp chất nào thì sẽ có màu vàng sẫm.
5.Nhận biết qua độ đông đặc ở nhiệt độ phòng
Trong quá trình bảo quản, khi gặp môi trường lạnh, dầu ăn thường có hiện tượng bị đông và chuyển sang màu trắng đục, gây lo lắng cho người sử dụng. Thực ra, đây là hiện tượng vật lý tự nhiên, hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng.
6.Phát hiện dầu pha trộn
Để phát hiện dầu ăn bị pha trộn dầu trẩu, lấy một ít dầu cho vào ống nghiệm, thêm vào mấy giọt axít sunfuric, đun cách thủy 60 độ C trong 15 phút. Nếu có dầu trẩu thì sẽ thấy dung dịch vảy lên như đám mây, nếu lượng dầu trẩu quá nhiều thì sẽ kết thành mảng cục.
Để phát hiện việc pha trộn thêm chất có tinh bột vào dầu ăn, lấy một ít dầu, giỏ thêm mấy giọt i-ốt vào, sẽ thấy dầu xuất hiện màu xanh lam.
Những lưu ý khi sử dụng dầu ăn
– Không nên đun dầu nóng quá nhiệt độ cho phép khiến dầu bị biến đổi
– Tùy từng món ăn dùng loại dầu thích hợp ví dụ không lấy dầu để trộn salad đi chiên xào thức ăn
– Không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần vì dầu sẽ bị ô-xy hóa biến đổi chất không tốt cho sức khỏe. Nếu lượng dầu sau chiên còn nhiều cũng chỉ nên dùng lại một lần,trước khi dùng phải lọc bỏ cặn trước.
II) Cách Bảo Quản Dầu Thực Vật
Không như chúng ta nghĩ, các loại dầu thực vật hầu như đều rất nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ của môi trường xung quanh. Do đó, để chúng gần bếp lửa hoặc các nguồn phát nhiệt là một trong những cách bảo quản sai lầm mà nhiều người vẫn đang sử dụng.
Chúng ta nên để dầu thực vật ở nơi thoáng mát, không chứa hơi ẩm để chúng không bị oxy hóa, và tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Các loại dầu thực vật nguyên chất thường sẽ có dạng hơi đậm đặc, và sẽ bị loãng dần đi theo thời gian. Càng loãng dần, dưỡng chất và tác dụng của dầu thực vật càng giảm, do đó sau khi mở nắp chúng ta nên sử dụng dầu thực vật trong khoảng từ 6 đến 9 tháng các bạn nhé.
Nếu muốn bảo quản dầu ăn được tốt hơn, chúng ta có thể để chúng trong ngăn mát của tủ lạnh nhé!
Trên đây là một số mẹo phân biệt chất lượng dầu ăn nhanh chóng, hy vọng sẽ giúp các bà nội trợ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn dầu ăn cho gia đình để đảm bảo sức khỏe cả nhà. Chúc các bà nội trợ có những sự lựa chọn thông minh!