Mạch nha là gì? Công dụng của mạch nha
Đường mạch nha là một loại sản phẩm vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe và nó còn là nguyên liệu không thể thiếu trong công nghiệp sản xuất bánh mứt, kẹo và bia. Bài viết dưới đây Funny sẽ cùng bạn tìm hiểu mạch nha là gì và những công dụng từ nó nhé!
Mạch nha là gì ?
Mạch nha là tên gọi của một loại mật dẻo được sản xuất từ ngũ cốc (lúa mạch, lúa mì, yến mạch, đại mạch, …) được cho nảy mầm trong điều kiện kiểm soát chứ không giống cách nảy mầm tự do ngoài thiên nhiên và được sấy khô khi đạt được độ mầm nhất định.
Mạch nha có độ dẻo nhưng không dai, vị ngọt thanh, màu vàng sậm, thơm ngon mùi nếp.
Mạch nha có tính ngọt tự nhiên nên thường được sử dụng để thay thế đường trong việc làm bánh kẹo, nấu chè, chế biến các món ăn hoặc thức uống. Ngoài ra, mạch nha cũng có thể ăn trực tiếp, hoặc dùng kèm với các món như khoai, sắn, bánh tráng… rất ngon.
Công dụng của mạch nha với sức khỏe
Theo đông y, mạch nha có vị ngọt, tính ôn; vào vị, tỳ và phế.
Công năng chủ trị là: Điều vị hòa trung, chỉ thống, an thai, bổ hư, sinh tân, nhuận phế, nhuận tràng, chỉ khái.
Ngoài ra, mạch nha còn có khả năng khắc phục bệnh suy nhược, viêm khí phế quản, đau loét dạ dày tá tràng, táo bón, ho khan đờm dính.
Mạch nha tốt nhất được làm như thế nào?
Người xưa có câu “Kẹo gương Thu Xà, mạch nha Mộ Đức”.
Mộ Đức là một huyện nhỏ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây được xem là vùng đất sản xuất mạch nha nổi tiếng và ngon nhất Việt Nam. Vậy, để làm ra món mạch nha ngon cần những bước nào?
Mạch nha chuẩn phải được làm từ mộng lúa và nếp. Để nấu được một mẻ mạch nha ngon phải trải qua nhiều công đoạn.
Trước tiên phải chọn thóc đều, mẩy, đem cho vào liếp tre đan, tưới nước, dùng cói hoặc bao tải đậy ủ.
Hạt thóc ngâm đủ nước nứt vỏ, nhú lên mầm mạ non xanh. Mầm thóc ra được hai đến ba lá, dài khoảng năm phân như thóc ủ mạ, thì đem phơi mầm. Mầm mạ tươi tốt, căng phồng phải được đem phơi nắng cho se hạt, để tăng độ ngọt của mầm. Sau đó xé tơi mầm, đem băm hoặc xay nhỏ.
Việc nấu xôi nếp cũng cần phải khéo tay, để xôi nếp chín vừa độ, không rắn, không nát hạt xôi. Xôi trắng nấu chín, làm tơi ra và để nguội, sau đó rắc mầm mạ trộn đều đem ngâm qua đêm trong thùng nước ấm, đậy kín nắp. Sáng hôm sau, nhấp thử nước ngâm mầm, thấy vị ngọt lành như nước mía là được.
Bã và nước của mạ đã được ủ qua đêm được cho vào bàn ép. Nước ép ra, đem đi nấu nha. Phần bã ép xong có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi rất tốt.
Người dân ở đây cho biết, khó nhất là khâu nấu mạch nha. Để có được mạch nha ngon đòi hỏi người nấu phải có nhiều kinh nghiệm. Nước mầm được ép từ mầm thóc và xôi nếp, đem đổ vào nồi đúc bằng đồng đỏ, bắc trên bếp lò than âm ỉ sôi. Người nấu dùng đũa cả lớn khuấy đều và liền tay nếu không sẽ dễ cháy nồi và khê nha. Nhìn kẹo sôi, người nấu mạch nha lâu năm có thể biết là mạch nha già hay non. Đến một độ già vừa phải người ta tắt bếp, để nguội rồi đem mạch nha đi bảo quản.
Trong quá trình chế biến và bảo quản mạch nha, tất cả mọi dụng cụ phải sạch thì mạch nha mới ngon, đảm bảo và để được lâu.
Mạch nha ngon, lại tốt cho sức khỏe nên được nhiều nơi sử dụng thay thế cho đường.
Như vậy, với những thông tin trên Funnyfood hy vọng có thể phần nào giúp các biết thêm những thông tin về mạch nha và công dụng của loại thực phẩm thú vị này.